Chống tiêu cực, tham nhũng dứt khoát phải làm

Đó là khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH Hà Nội diễn ra sáng qua 29.6 tại Q.Ba Đình.

Cử tri Vũ Mạnh Hiền (P.Điện Biên) cho rằng đáng lẽ người dân phấn khởi với việc tăng lương từ đầu tháng 5 vừa qua nhưng thực tế lại thấy buồn vì lương tăng không theo kịp giá tăng, số lương ít ỏi hiện nay không đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày. Cử tri này so sánh “có người được tăng lương 500.000 đồng/tháng nhưng số tiền này cũng chỉ bằng một bình gas. Trong khi đó, lãng phí, tham ô, thất thoát ngày càng trầm trọng, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng, người có trách nhiệm khi sờ đến thì trốn mất”.

Liên quan đến những sai phạm vừa qua ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cử tri Vũ Định (P.Trung Trực) đề nghị Đảng, QH phải kiên quyết để lãnh đạo, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm xảy ra trong ngành mình phụ trách, quản lý. “Nếu tổng công ty thuộc ngành nào sai phạm thì Bộ trưởng phải từ chức trước, phải có văn hóa từ chức, chỉ có làm thế mới tạo được niềm tin của dân. Phải quy kết trách nhiệm cá nhân rõ ràng chứ cứ quy cho tập thể là không ổn”, ông Định nêu quan điểm.

Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (P.Giảng Võ) nói thêm: cần làm rõ câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm trước những thất thoát, đổ vỡ kéo dài, trên bình diện rộng ở các tập đoàn kinh tế?

 

Chống tiêu cực, tham nhũng dứt khoát phải làm
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe phản ánh của cử tri trong giờ giải lao Hội nghị sáng 29.6. - Ảnh: H.Long

Trước những kỳ vọng của nhiều cử tri về những chuyển biến sau khi có Nghị quyết T.Ư 4, T.Ư 5 vừa qua, Tổng bí thư nói rõ: Nghị quyết T.Ư 4 lần này khắc phục cho được những tiêu cực, đặc biệt là tham nhũng. Theo Tổng bí thư, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, hư hỏng đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có, nhưng mặt khác lại phải bình tĩnh, nhìn cho khách quan, biện chứng, cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực.

“Chúng ta rất nghiêm khắc nhìn thẳng vào sự thật, nói hết sự thật để sửa chữa, nhưng chống tiêu cực không thể mất lòng tin, bi quan, vì đã mất lòng tin thì mất tất. Muốn thế phải làm cho dân tin bằng đường lối, bằng chính sách, bằng những kế hoạch cụ thể, bằng những con người hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân”, ông nhấn mạnh, đồng thời quả quyết: "Chống tiêu cực, tham nhũng, hư hỏng dứt khoát chúng ta phải làm".

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Luật Biển Việt Nam khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là thuộc Việt Nam

Nhiều cử tri cũng đã bày tỏ lo lắng, bức xúc trước những hành động gần đây của Trung Quốc (TQ) liên quan đến biển Đông.

Theo cử tri Vũ Mạnh Hiền, gần đây TQ thành lập TP.Tam Sa, không hiểu tới đây rồi sẽ thế nào? Chúng ta mới chỉ có người phát ngôn của Bộ Ngoại giao có ý kiến, còn Đảng, Chính phủ xử lý vấn đề này ra sao, dân rất băn khoăn và rất muốn biết. “Người dân chúng ta trong giai đoạn này khổ có thể khắc phục được nhưng chạm vào đất nước của chúng ta thì rất bức xúc, không thể chấp nhận được”, ông Hiền bày tỏ.

Cùng mối lo về biển Đông, cử tri Vũ Duy Thông (P.Đội Cấn) cho biết: Nhân dân rất lo lắng và đề nghị Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết hướng giải quyết như thế nào, nhất là sau vụ Tổng công ty dầu khí Hải dương TQ thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 23.6.2012.

Trước những tâm tư của cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “quan tâm lo lắng của cử tri là đúng”, và ông nhấn mạnh: Về biển Đông, chúng ta khẳng định chủ quyền từ lâu, giờ luật Biển Việt Nam (vừa được QH khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 3 vừa qua - PV) cũng khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là thuộc Việt Nam, xảy ra tranh chấp gì thì đối thoại hòa bình, giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết giữ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đó là vấn đề thiêng liêng.

Nguồn tin: TNO