Tài nguyên điện tử







truonghoc.edu.vn
trắc nghiệm online

Văn hóa chào Quốc kỳ và hát Quốc ca dưới cờ

Đăng lúc: Thứ ba - 24/12/2019 10:47 - Người đăng bài viết: quantri

   Từ nhiều năm qua, phần hát Quốc ca trong mỗi giờ chào cờ vào sáng thứ hai hàng tuần tại các trường học trong huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam không còn sử dụng băng đĩa thu sẵn như trước đây mà hoàn toàn do các em tự hát.

   Tự hào về những học sinh còn rất nhỏ tuổi mới đang tập đọc, tập viết bậc Tiểu học nhưng rất nghiêm túc trong việc học hát và hát Quốc ca khi chào cờ, nhất là mỗi sáng đầu tuần hay dịp trọng đại các em đều hát rất to và đều.
   Với mỗi em học sinh ở Trường THCS Nguyễn Khuyến xã Tam Anh Nam, giờ chào cờ mỗi thứ hai hàng tuần cũng là dịp để những câu chuyện dưới cờ được kể, đó là những câu chuyện về truyền thống anh hùng, về những tấm gương anh hùng của chính mảnh đất trên quê hương “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”!
   Thầy giáo Võ Hồng Khanh – Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Khuyến cho biết: “Các em học sinh nhà trường được thầy, cô giáo giảng dạy để các em hiểu đầy đủ ý nghĩa việc chào cờ và hát Quốc ca vì Quốc ca là bài ca vĩ đại, là biểu tượng của mỗi quốc gia, gắn liền với lịch sử, vận mệnh và ý chí, khát vọng của mỗi dân tộc. Chào cờ và hát Quốc ca là một nghi lễ thiêng liêng, nghi thức quan trọng thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước, với nhân dân. Do vậy, không chỉ ở Việt Nam ta mà ở nhiều nước trên thế giới, việc hát Quốc ca được coi là nghĩa vụ, quyền lợi của công dân, được quy định hết sức nghiêm túc và theo thời gian đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi người dân và trong toàn xã hội”!
   Nhiều thế hệ học sinh các bậc học đã hát Quốc ca với nhiệt huyết từ mỗi trái tim dâng cho dân tộc và Tổ quốc. Trên chiến trường máu lửa, giữa tiếng bom rơi pháo dội, những người con đất Việt vẫn hát vang bài “Tiến quân ca”. Ông Nguyễn Tài, nguyên Hiệu trường trường THPT Núi Thành, có Chủ tịch Hội Người tù yêu nước huyện Núi Thành còn cho biết thêm: “Ngay trong ngục thù tăm tối, trước nòng súng của kẻ thù đàn áp, đánh đập dã man, những người cộng sản kiên trung vẫn làm lễ chào cờ và hát Quốc ca” . Các vận động viên trước mỗi trận đấu, khi BTC thực hiện nghi lễ chào cờ, úp bàn tay lên ngực trái, ngước mắt nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, nghe tiếng con tim mình đập rộn ràng, kiêu hãnh và tất nhiên và sẽ quyết tâm hơn, nỗ lực hơn để thi đầu hết mình, đạt giải cao đem vinh quang về cho Tổ quốc!
   Hay giữa ngàn khơi sóng gió, lễ chào cờ Tổ quốc nơi đảo xa, trên các con tàu Hải quân, cảnh sát biển không những nêu cao niềm tự hào dân tộc, mà còn thắp lên tình cảm thiêng liêng, nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy sống, làm việc và hy sinh cống hiến vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
   Hiểu rõ ý nghĩa thiêng liêng đó, trong thời gian qua, một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn huyện Núi Thành nói riêng, cả nước Việt Nam nói chung xem nghi thức chào cờ là việc làm quan trọng và thường xuyên trong các hoạt động của đơn vị, cơ quan, trường học đều thực hiện nghiêm túc. Điều đó không những tạo được nề nếp nghiêm túc ngay từ giờ đầu làm việc mà còn là nét đẹp văn hóa nơi công sở.
   Thông qua lễ chào cờ, nhằm giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, thể hiện tình cảm, lòng kính yêu đối với lãnh tụ; phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhắc nhở đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, học tập, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
   Tuy nhiên, thời gian qua việc chào cờ vào buổi sáng thứ hai hàng tuần chưa được thực hiện thống nhất đồng bộ. Tại một số đơn vị, vì tiết kiệm thời gian, phụ thuộc vào máy móc, phương tiện, trong nghi lễ chào cờ đã sử dụng bài Quốc ca ghi âm sẵn mà không để người tham dự tự thể hiện tình cảm thiêng liêng của mình. Một số người không thuộc, hoặc thuộc sai lời quốc ca. Thậm chí, nhiều học sinh- chủ nhân tương lai của đất nước không thuộc lời “Tiến quân ca”.
   Mong rằng mỗi khi tiến hành nghi thức chào cờ, người dự lễ phải thực hiện hát lời bài hát Quốc ca. Cùng với đó, thường xuyên giáo dục, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca; tổ chức cho cán bộ, đảng viên, hội viên, học sinh, sinh viên hát đúng lời và nhạc. Sau lễ chào cờ, có thể tổ chức sinh hoạt dưới cờ nhằm tạo động lực, khí thế chào đón tuần làm việc mới hiệu quả, tích cực và văn minh.
   Có như vậy, mỗi lần chào cờ và hát Quốc ca là một lần người Việt Nam tự bồi đắp tinh thần yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc để nhận thức rõ hơn trách nhiệm đối với đất nước. 
   Được nuôi dưỡng phong trào chào cờ đầu tuần có nề nếp là sự khơi dậy được niềm tự hào truyền thống quê hương chính là góp phần tăng cường giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho các em học sinh thế hệ hôm nay và mai sau.
   Những thứ sáo mòn, khẩu hiệu suông, ngày nay dường như không còn phù hợp. Giờ chào cờ, hát quốc ca tại các trường học nói chung, trường THCS Nguyễn Khuyến nói riêng là sự trải nghiệm để các em có được một lối sống đẹp, tự tin hơn./-

Tác giả bài viết: Huy Hoàng
Nguồn tin: www.nuithanh.quangnam.gov.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Theo bạn website Trường THCS Nguyễn Khuyến?

Nội dung phong phú.

Giao diện đẹp.

Cập nhật tin nhanh.

Tất cả phương án trên.

  • Đang truy cập: 787
  • Khách viếng thăm: 772
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 87859
  • Tháng hiện tại: 2441382
  • Tổng lượt truy cập: 146099081

Công ty Phú Bình Pro
thiết kế web tại Quảng Nam